image banner
Lễ kỷ niệm Thướng tướng Trần Khát Chân trên vùng đất Vĩnh Thịnh
 

Lễ kỷ niệm Thướng tướng Trần Khát Chân trên vùng đất Vĩnh Thịnh

Nằm ở phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, bên dòng sông Mã , vùng đất Vĩnh Lộc có khí thiêng sông núi hội tụ, đã sinh ra một nhân kiệt: Thượng tướng quân Trần Khát Chân . Ông đã có công đánh dẹp quân xâm lược Chiêm Thành, chém đầu tướng giặc Chế Bồng Nga, giữ yên bờ cõi nước nhà . Suốt nhiều thế kỷ qua, vào 23-24/4 âm lịch hàng năm, nhân ngày húy kỵ của T hượng tướng quân Trần Khát Chân, nhân dân Vĩnh Lộc lại tưng bừng khai hội , nhằm tưởng nhớ công ơn của bậc tiền nhân, giáo dục tinh thần yêu quê hương, đất nước, ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Theo sách “Thanh Hóa chư thần lục”, trên địa bàn tỉnh có nhiều nơi thờ Thượng tướng quân Trần Khát Chân; trong đó, riêng tại huyện Vĩnh Lộc cũng có tới 3 nơi thờ tự là: thị trấn Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Tiến và xã Vĩnh Thịnh. Các sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Việt Nam sử lược” đều ghi: Trần Khát Chân người làng Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh, ba đời làm Thượng tướng quân. Ông là hậu duệ của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng với câu nói bất hủ: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Sinh ra và lớn lên giữa cảnh đất nước loạn lạc, Thượng tướng quân Trần Khát Chân sớm đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người, giỏi võ, lắm cơ mưu. Năm 1388 (năm Mậu Thìn), ông thi đỗ Thái học sinh; sau đó được triều đình trọng dụng, phong làm tướng quân chỉ huy đội quân Long Tiệp. Vào các năm 1371, 1377, 1378, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga nhiều phen kéo quân sang nước ta gây ra cảnh cướp bóc, lầm than khiến lòng dân vô cùng oán hận.

 

Tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1389), quân Chiêm Thành do Chế Bồng Nga dẫn đầu tiến đánh Thanh Hóa. Vận nước lâm nguy, vị đô tướng trẻ tuổi Trần Khát Chân đã khẳng khái nhận lệnh, lãnh binh xuất trận. Sau khi lập được công lớn đánh tan quân Chiêm Thành, Trần Khát Chân được phong làm Long Tiệp Phụng Thần Nội vệ Thượng tướng quân, tước Vũ Tiết Quan Nội Hầu. Ông đủ tài năng và dũng khí để giết chết vua nước Chiêm là Chế Bồng Nga, nhưng lại không thể toàn được tấm thân trước những biến cố phức tạp của lịch sử diễn ra sau đó chẳng bao lâu. Trần Khát Chân mất khi ông mới 29 tuổi. Nhân dân thương tiếc ông, đã lập đền thờ ngay tại nơi ông bị xử tử và trong đó có đền thờ vọng ở xã Vĩnh Thịnh.

Hằng năm, vào ngày 23-24 tháng tư âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức ngày kỵ của Thượng tướng quân, cũng là lễ kỷ niệm quan trọng của làng, của xã nhằm tưởng nhớ công lao của vị danh tướng tài ba và giáo dục truyền thống yêu nước. Trần Khát Chân mất khi tuổi đời còn rất trẻ, song câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn mãi là khúc ca bi tráng về tinh thần kiên trung bất khuất. Tấm gương của ông được hậu thế mãi truyền tụng và ngợi ca.

Lễ hội đền thờ Trần Khát Chân thu hút đông đảo sự tham gia của nhân dân và du khách thập phương. Phần lễ trang trọng, uy nghiêm, mở đầu bằng  nghi thức dâng hương, tế lễ. Đây là những nghi thức cổ truyền, đã được thực hiện trong suốt nhiều thế kỷ qua. Đây là dịp để người dân ôn lại thân thế, sự nghiệp và đặc biệt là công trạng của danh tướng Trần Khát Chân đối với quê hương, đất nước. Hậu thế dâng nén hương lên ban thờ Thượng tướng quân, cũng là bày tỏ với Ngài lòng biết ơn, thành kính.

Trước và sau phần lễ là chương trình hội thi văn nghệ, thể thao đặc sắc các đội đến tức các đơn vị làng, trường học trên địa bàn xã biểu diễn, với nội dung nêu bật tài năng, đức độ và công lao to lớn của thượng tướng quân Trần Khát Chân trong việc đánh tan quân Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi nước nhà, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại...

Du khách về với Lễ kỷ niệm tại đền Trần Khát Chân không chỉ để tham dự một sự kiện văn hóa tâm linh, bày tỏ lòng thành kính đối với danh tướng Trần Khát Chân; mà còn để hiểu hơn về truyền thống văn hóa, tinh thần đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Vĩnh Thịnh luôn nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị của Lễ kỷ niệm thượng tướng Trần Khát Chân, để ngày lễ thực sự là một sự kiện văn hóa truyền thống tiêu biểu của xãVĩnh Thịnh nói riêng, huyện Vĩnh Lộc nói chung.

Đền thờ Trần Khát Chân xã Vĩnh Thịnh là công trình kiến trúc nghệ thuật gỗ được xây dựng từ thời Lê, thế kỉ 17, 18. Trải qua bao năm tháng dãi dầu mưa nắng,  qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay Đền thờ Trần Khát Chân vẫn đứng đó vững chãi, uy nghiêm, như minh chứng cho lòng thành kính của người dân trên mảnh đất này đối với vị danh tướng kiệt xuất của đất nước, quê hương, đây là ngôi đền có giá trị rất đặc biệt về kiến trúc cổ và nghệ thuật điêu khắc trang trí, một di sản hiếm gặp trong kho tàng kiến trúc dân gian truyền thống của người Việt, mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách thập phương và nhân dân đến chiêm bái.

Lễ kỷ niệm Đền thờ Trần Khát Chân, với những giá trị lịch sử văn hóa lâu bền, vẫn luôn tồn tại trong đời sống văn hóa cộng đồng, điểm tô thêm vẻ đẹp truyền thống, vẻ đẹp văn hóa lịch sử cho vùng đất xã Vĩnh Thịnh./.
                    Một số hình ảnh tiêu biểu tại chương trình Lễ kỷ niệm:

z5494720768950_507aa36797265e78a709c6b87c9e7c23.jpg

z5494720779924_3e8d5ee20b894ce52e7119a867ef99de.jpg

z5494720790505_11f7fa4fa74182e6f4f227f3eef71646 (1).jpg

z5494720658395_44c25faddf021f7fbb2133ec02eae5a4.jpg

z5494720701574_61ff4447edb14ecfe5bdc0a20b886adf.jpg

z5494720874543_22f08cd8cbf573bfe5ac9daa2b87bbb4.jpg

z5494720864425_6e3ff037a67126cb076d4a49628141d3.jpg

z5494720865934_362a4c516d8b8211f42a630473c3a87b.jpg

z5494720951274_1a7212541289dc12b13d0e82ee52e269.jpg

z5494720606447_02802af3a0a7229252812371196caf94.jpg

z5494720612305_47b134772d7d041a65087d4e468c37a5.jpg
 

 z5494720605559_b1e127182caf019314c804118aa0c76a.jpg


z5494783157704_9fe4ed6dc1dab1e118ff9ced2aab20dd.jpg


z5494783144046_60de00a8b106cb8f861bc5961376c784.jpg





 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

BẢN QUYỀN SỬ DỤNG THUỘC XÃ VĨNH THỊNH - HUYỆN VĨNH LỘC - THANH HÓA
ĐC: Xã Vĩnh Thịnh - Vĩnh Lộc - Tỉnh Thanh Hóa
Điện thoại:                                 -  Email: vinhloc@thanhhoa.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thị Hậu - Chủ tịch UBND xã.
Ghi rõ nguồn tin "vinhthinh.vinhloc.thanhhoa.gov.vn" khi phát hành lại nội dung trên Trang thông tin điện tử xã Vĩnh Thịnh

Website được thiết kế bởi VNPT

image banner