image banner
Đền Trần Khát Chân – Chốn Thiêng một vùng quê

Đền Trần Khát Chân – Chốn Thiêng một vùng quê

Sinh thời Bác Hồ, vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của chúng ta đã từng nói “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Vâng! Trong lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương là một bộ phận không thể tách rời. Lịch sử địa phương là biểu hiện của lịch sử dân tộc, là sự minh họa cho lịch sử dân tộc. Nó chứng minh sự phát triển hợp quy luật của địa phương trong sự phát triển chung của cả nước. Nó không chỉ giúp chúng ta hiểu về mảnh đất, con người nơi mình chôn nhau cắt rốn, hun đúc niềm tự hào, giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước mà còn giúp chúng ta nhận thức sâu sắc lịch sử dân tộc, tự hào về dân tộc. Là một giáo viên giảng dạy môn lịch sử ngay trên quê hương xã Vĩnh Thịnh, với mong muốn thiết tha của tôi những con em trong xã nhà và nhiều du khách trên khắp mọi miền tổ quốc và xa hơn nữa được biết và hiểu sâu sắc hơn nữa về lịch sử địa phương trên quê hương xã Vĩnh Thịnh, về danh tướng Trần Khát Chân một vị tướng văn võ toàn tài ở cuối thế kỷ XIV có công giết vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga trừ hậu họa cho Đại Việt, bảo vệ vương triều nhà Trần.

Chùa Hoa Long, đền thờ Trần Khát Chân là hai điểm di tích liền kề và hỗ trợ nhau trong nét đẹp văn hóa truyền thống. Khu di tích thuộc địa phận thôn 4 làng Trung, xã Vĩnh Thịnh. Đây là quần thể lịch sử văn hoá và kiến trúc nghệ thuật độc đáo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2004.

      Danh tướng Trần Khát Chân:

Theo sử liệu cho biết, ông sinh năm 1370 (Canh Tuất). Ngay từ nhỏ, ông đã là người ham học, 18 tuổi, chàng trai Trần Khát Chân đã có tiếng là văn võ song toàn. Năm 1388 (năm Mậu Thìn), ông thi đỗ Thái học sinh; sau đó được triều đình trọng dụng phong làm tướng quân chỉ huy đội quân Long Tiệp.

Thời Trần Khát Chân là thời kỳ triều Trần bắt đầu suy vi. Những cuộc chiến tranh liên miên, đặc biệt là Chiêm Thành đã làm cho tiềm lực quốc gia suy kiệt. Vào các năm 1371, 1377, 1378, Chế Bồng Nga kéo quân vào xâm chiếm và thiêu rụi cả kinh thành Thăng Long, vua tôi nhà Trần không sao chống trả lại. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông bèn sai tướng Trần Khát Chân. Trần Khát Chân khẳng khái vâng mệnh vua ra trận. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã khóc khi tiễn đưa tướng Trần Khát Chân.

 Tháng giêng năm Canh Ngọ (1390), Chế Bồng Nga đem hơn 100 chiến thuyến tiến đánh nước ta. Lúc bấy giờ có tên Ba Lậu Kế, một tiểu thần của Chế Bồng Nga vừa bị quở phạt, sơ chết, y trốn sang quân Trần. Chính y đã tiết lộ cho Trần Khát Chân biết đặc điểm chiến thuyền của Chế Bồng Nga (màu xanh lục). Biết được điều đó, Trần Khát Chân mừng lắm, bèn cho tập trung hỏa lực bắn thẳng vào thuyền của Chế Bồng Nga. Chế Bồng Nga trúng đạn chết tại trận. Trần Khát Chân sai chặt đầu của Chế Bồng Nga bỏ vào hòm chở về bến Bình Than. Hai con trai của Chế Bồng Nga là Chế Ma Nô Đà Nan và Chế Sơn Nô sợ bị giết đã chạy sang xin hàng vua Trần.

          Năm 1397, Trần Khát Chân được giao việc dẫn quân vừa hỗ trợ, bảo vệ và đốc thúc xây thành Tây Đô với chức Lưỡng vệ kim ngô, Long hổ điện tiền Thượng tướng quân, hành doanh ở Đốn Sơn. Lúc này trong vương triều Trần quyền hành của Hồ Quý Ly quá lớn, khiến cho các đại thần nhà Trần bất mãn. Ngày 4/4/1399vua Trần ban chiếu làm lễ Minh Thệ ở Đốn Sơn, các tướng lĩnh nhà Trần chủ mưu bàn kế giết Hồ Quý Ly nhưng không thành, Trần Khát Chân và hơn 370 người đã bị giết trong lễ Minh Thệ cuối cùng của lịch sử phong kiến Việt Nam.

          Ông mất ngày 24/4 năm Kỷ Mão (1399), khi mới 29 tuổi. Nhân dân trong vùng vô cùng thương tiếc và khâm phục tấm lòng của một bề tôi trung nghĩa nên đã lập đền thờ ông ở nhiều nơi, trong đó đền thờ ở chân núi Đún Sơn, thị trấn Vĩnh Lộc là nơi thờ chính, đền thờ ở xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Thịnh là nơi thờ vọng.

Đền thờ danh tướng Trần Khát Chân:

Đền thờ Trần Khát Chân công trình kiến trúc nghệ thuật gỗ thời Lê (thế kỷ XVII-XVIII)được xây dựng với cấu trúc gồm: Tiền đường, trung đường và hậu cungdiệntích xây dựng gồm 240m2 nhà, 260m2 sân, 500m2 vườn cây cảnh và sân ngoài.

Anh-tin-bai

Di tích lịch sử - văn hóa và kến trúc nghệ thuật Đền thờ Trần Khát Chân ( xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc.)

Nhà Tiền đường gồm 5 gian 2 chái có diện tích xây dựng 129m2.Ngôi nhà trung đường có diện tích 70m2 có kết cấu mái tương tự như tiền đường.Nhà chính tẩm được xây dựng theo kiểu chữ đinh với diện tích 30m2, nhà gắn liền với trung đường gồm 3 gian 4 vì, cấu trúc 4 vì khác nhau.  Hiện vật cổ trong đền bao gồm các lư hương bằng đồng, bằng đá, bằng gốm thời Lê với đường nét chạm tr chi tiết, nét chạm trên đồng mà tinh như chạm bạc. Hệ thống các con vật thờ: Ngựa bạch, ngựa hồng, hạc, vẹt gỗ, tượng gỗ, 2 tượng phỗng phục chầu bằng đá.

Trong Ngôi trung đường và chính tẩm các bức chạm đường nét chau chuốt, một số hoạ tiết chim, sóc và những con vật dân gian của văn hoá thời Lê Trung Hưng thế kỷ 18. Trong ditích hiện còn lưu 20 đạo sắc gốc các triều Lê, Nguyễn và các tập bản sao sắc phong bằng chữ Hán qua các triều đại và nhiều hiện vật khác. 

Lễ hội đền Trần Khát Chân:

Lễ hội Trần Khát Chân được tổ chức hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày mất của ông ngày 28/5 (tức 24/4 âm lịch).  Phần lễ được tổ chức trang trọng, uy nghiêm, mở đầu bằng nghi thức dâng hương, tế lễ, du khách về với lễ hội Trần Khát Chân để tưởng nhớ, tri ân công đức của bậc tiền nhân.

Anh-tin-bai

 

Nghi thức dâng hương Lễ hội Đền Trần Khát Chân ngày 28/5/2024 (24/4 âm lịch) tại xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Qua bài viết này bản thân tôi mong muốn sẽ góp phần nhỏ bé vào công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa của quê hương, đất nước, giáo dục lòng yêu quê hương tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Du khách thập phương đến với chùa Hoa Long, đền Trần Khát Trân không chỉ để thăm viếng dâng hương cầu phúc, mà còn để hòa mình với thiên nhiên tươi đẹp, chiêm ngưỡng những giá trị nghệ thuật độc đáo, tinh xảo. Bởi vậy, nơi đây là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Là chốn thiêng của một vùng quê giàu lòng yêu nước. Để từ đó, mỗi người chúng ta càng thêm trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tích cự học tập, lao động dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 Vĩnh Thịnh,ngày 12 tháng 9 năm 2024

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

BẢN QUYỀN SỬ DỤNG THUỘC XÃ VĨNH THỊNH - HUYỆN VĨNH LỘC - THANH HÓA
ĐC: Xã Vĩnh Thịnh - Vĩnh Lộc - Tỉnh Thanh Hóa
Điện thoại:                                 -  Email: vinhloc@thanhhoa.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thị Hậu - Chủ tịch UBND xã.
Ghi rõ nguồn tin "vinhthinh.vinhloc.thanhhoa.gov.vn" khi phát hành lại nội dung trên Trang thông tin điện tử xã Vĩnh Thịnh

Website được thiết kế bởi VNPT

image banner